khấu trừ tiền lương là gì

Đánh giá bài viết này
khấu trừ tiền lương là gì

Khấu trừ lương là một khái niệm người lao động rất quan tâm bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến phần tiền mà họ nhận được. Tuy nhiên, rất nhiều người lao động khi đi làm chưa được phổ cập chi tiết về khoản tiền khấu trừ này. Đừng lo vì bài viết dưới đây của chúng tôi sẽ cung cấp cho các bạn thông tin chi tiết về khấu trừ tiền lương để bạn hiểu rõ về khoản này. 

Khấu trừ tiền lương là gì?

Khấu trừ tiền lương là khoản tiền lương mà người lao động bị trừ bớt đi theo quy định của pháp luật để bù vào khoản tiền đã chi hoặc đã bị thiệt hại trước đó.

Tiền lương là nguồn sống chính của người lao động và gia đình, do đó mức khấu trừ tiền lương được quy định là không được vượt quá 30% tiền lương tháng (trừ trường hợp có sự thoả thuận trước với người lao động. Trước khi khấu trừ tiền lương, người sử dụng lao động cần thoả thuận với Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở và phải thông báo chi tiết cho người lao động biết về khoản khấu trừ của họ. 

 

Quy định về khấu trừ lương

Theo quy định tại Điều 102 Bộ luật lao động năm 2019, các vấn đề về khấu trừ tiền lương được xác định như sau:

 

Căn cứ khấu trừ tiền lương: NSDLĐ chỉ được khấu trừ tiền lương của NLĐ khi có đầy đủ các căn cứ được quy định tại Điều 129 của Bộ luật lao động năm 2019, trong đó:

  • NLĐ làm hư hỏng thiết bị, dụng cụ hoặc có các hành vi gây thiệt hại tài sản của NSDLĐ
  • NLĐ làm mất thiết bị, dụng cụ, tài sản của NSDLĐ hoặc tài sản khác do NSDLĐ giao hoặc tiêu hao vật tư quá mức cho phép

 

Nguyên tắc về khấu trừ tiền lương: Theo quy định tại Khoản 3 Điều 102 Bộ luật lao động năm 2019, NLĐ chỉ phải chịu mức khấu trừ tiền lương không được quá 30% tiền lương thực tế hàng tháng mà NLĐ nhận được sau khi nộp các khoản BHXH, BHYT, BHTN và các khoản thuế TNCN (nếu có) theo quy định.

 

Căn cứ số tiền mà người lao động phải khấu trừ theo quy định:

  • Trường hợp NLĐ gây thiệt hại không nghiêm trọng do sơ suất với giá trị không quá 10 tháng lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định được áp dụng tại nơi NLĐ làm việc thì số tiền nhiều nhất NLĐ phải bồi thường là 3 tháng tiền lương. 
  • NLĐ phải bồi thường thiệt hại một phần hoặc toàn bộ theo giá thị trường tại thời điểm đó; trường hợp có hợp đồng trách nhiệm thì phải bồi thường theo hợp đồng trách nhiệm; trường hợp do thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn, thảm hoạ, sự kiện khách quan không thể tính toán trước được và không thể khắc phục dù đã áp dụng mọi biện pháp và khả năng cho phép thì không phải bồi thường. 

Mức khấu trừ tiền lương theo quy định

Về mức khấu trừ tiền lương mới nhất, theo khoản 3 Điều 102 Bộ luật Lao động 2019 chỉ rõ, mức khấu trừ tiền lương hàng tháng của người lao động sau khi nộp BHXH, BHYT, BHTN và thuế TNCN không được quá 30% tiền lương hàng tháng. 

 

Trường hợp sơ suất làm hỏng thiết bị, dụng cụ hoặc có hành vi gây thiệt hại tài sản với giá trị không quá 10 tháng lương tối thiểu vùng thì bồi thường nhiều nhất là 3 tháng tiền lương. Mức lương tối thiểu vùng năm 2022 thực hiện theo nghị định số số 38 năm 2022 của Chính phủ:

  • Vùng I: Mức 4.680.000 đồng/tháng
  • Vùng II: Mức 4.160.000 đồng/tháng
  • Vùng III: Mức 3.640.000 đồng/tháng
  • Vùng IV: Mức 3.250.000 đồng/tháng

 

Trường hợp làm mất thiết bị, dụng cụ, tài sản hoặc tiêu hao vật tư quá định mức cho phép thì bồi thường toàn bộ hoặc một phần theo giá thị trường. Trường hợp nào có hợp đồng trách nhiệm thì bồi thường theo hợp đồng trách nhiệm.

Các khoản khấu trừ vào tiền lương của người lao động

Theo quy định hiện hành, khi trả lương cho NLĐ thì NSDLĐ có quyền tiến hành khấu trừ một số khoản như sau:

  • Tiền bảo hiểm xã hội NLĐ đóng 8% tiền lương theo quy định tại tại Luật bảo hiểm xã hội 2014
  • Tiền bảo hiểm thất nghiệp NLĐ đóng 1% tiền lương theo quy định tại Luật việc làm 2013
  • Tiền bảo hiểm y tế NLĐ đóng 1,5% theo quy định tại Luật bảo hiểm y tế
  • Đoàn phí công đoàn
  • Quỹ phòng chống thiên tai với mức đóng tuỳ từng đơn vị
  • Thuế thu nhập cá nhân sau khi trừ đi các khoản giảm trừ: giảm trừ gia cảnh, giảm trừ cho người phụ thuộc rồi tính theo biểu luỹ tiến từng phần được quy định tại Luật thuế TNCN. 

 

Một số câu hỏi về khấu trừ lương thường gặp

Đi làm trễ bị trừ lương có đúng luật không?

Căn cứ theo Điều 124 của Bộ luật lao động năm 2019, quy định về hình thức xử lý kỷ luật lao động như sau:

1, Thực hiện khiển trách

2, Kéo dài thời hạn nâng lương (không được vượt quá 6 tháng)

3, Cách chức

4, Sa thải

 

Bên cạnh đó, trong điều 127 Bộ luật trên cũng quy định nghiêm cấm khi xử lý kỷ luật gồm các hành vi sau:

 

1, Xâm phạm đến sức khoẻ, danh dự, uy tín, nhân phẩm, tính mạng của người lao động

2, Tiến hành phạt tiền và cắt lương thay cho xử lý kỷ luật lao động

3, Tiến hành kỷ luật lao động đối với trường hợp người lao động có các hành vi vi phạm không có trong nội quy lao động hoặc không thoả thuận như trong hợp đồng lao động hoặc không được quy định theo pháp luật. 

 

Như vậy, với trường hợp người lao động đi làm trễ thì công ty không được phép trừ lương mà chỉ được áp dụng các hình phạt kỷ luật. 

 

Nghỉ không phép trừ lương là đúng hay sai?

Người lao động được nghỉ phép mà vẫn hưởng lương trong các trường hợp sau:

1, Kết hôn: nghỉ 3 ngày

2, Con cái kết hôn: nghỉ 1 ngày

3, Bố mẹ đẻ, bố mẹ vợ/chồng, vợ/chồng, con chết: nghỉ 3 ngày

 

Người lao động được nghỉ không hưởng lương 1 ngày trong các trường hợp ông bà nội/ngoại, anh chị em ruột chết; bố/mẹ/anh/chị/em ruột kết hôn phải tiến hành thông báo cho công ty. 

 

Như vậy, trong trường hợp cá nhân tự ý nghỉ việc không có lý do và không được sự cho phép của doanh nghiệp thì việc có hưởng lương hay không sẽ phụ thuộc vào các thoả thuận trong hợp đồng lao động. Trong trường hợp vi phạm các thoả thuận đã nêu trên thì bạn có thể bị xử phạt theo hợp đồng lao động và công ty có quyền không thanh toán tiền lương cho những ngày bạn đã nghỉ làm.

Lời kết

Trên đây là toàn bộ những thông tin về khấu trừ tiền lương mà chúng tôi muốn chia sẻ tới các bạn. Hy vọng những thông tin này sẽ giúp các bạn nắm rõ về khoản tiền này để đảm bảo quyền lợi của bản thân tại doanh nghiệp.