Câu đặc biệt là gì? Hầu hết các loại câu trong tiếng Việt đều tuân thủ theo quy tắc chung bao gồm đầy đủ các thành phần cấu tạo như chủ ngữ và vị ngữ. Trong nhiều trường hợp, các câu có sự khác biệt về cấu trúc để nhấn mạnh hoặc làm cho bối cảnh cả đoạn văn trở nên đặc biệt hơn. Bài viết dưới đây của chúng tôi hôm nay sẽ cùng các bạn tìm hiểu chi tiết hơn về câu đặc biệt trong ngữ pháp tiếng việt.
Câu đặc biệt là gì?
Mục lục bài viết
Câu đặc biệt là loại câu không được cấu tạo theo cấu trúc cụm chủ ngữ – vị ngữ như thông thường. Nói cách khác, câu đặc biệt là một kiểu câu không tuân theo bất kỳ một quy tắc ngữ pháp nào.
Câu đặc biệt không được thể hiện theo cấu tạo mô hình chủ ngữ vị ngữ nhưng được thể hiện dưới nhiều dạng khác nhau. Loại câu này được sử dụng phổ biến trong văn học và giao tiếp hàng ngày với những mục đích cụ thể khác nhau.
Ví dụ:
– “Vui quá! Lần này thi tớ được điểm 10 rồi! “ – Câu Vui quá là câu đặc biệt, không có chủ ngữ và vị ngữ
– “Ôi trời đất ơi! Ai đã lấy mất chiếc xe đạp của tôi rồi?” – Câu Ôi trời đất ơi là câu đặc biệt
Xem thêm phương thức biểu đạt là gì
Câu đặc biệt có tác dụng gì
Xác định thời gian và địa điểm diễn ra hành động
Ví dụ:
“Đêm giáng sinh. Dòng người vội vã trở về nhà để cùng nhau quây quần bên bữa cơm ấm áp cùng gia đình”
→ Câu đặc biệt “Đêm giáng sinh” dùng để xác định thời gian
Bộc lộ cảm xúc của người nói
Ví dụ:
“Ôi may quá! Điểm thi lần này của tớ được khá rồi.”
→ Câu đặc biệt “Ôi may quá” thể hiện cảm xúc vui mừng, hạnh phúc của người nói
Gọi đáp
Ví dụ:
“Ngọc ơi! Xuống đây mẹ bảo cái này”
→ Câu đặc biệt “Ngọc ơi” dùng để gọi tên người
Liệt kê hoặc thông báo sự tồn tại của sự vật, hiện tượng
Ví dụ:
“Dòng người đi xem hội thật là đông vui. Tiếng bước chân. Tiếng cười nói. Tiếng vỗ tay.”
→ Các câu đặc biệt “Tiếng bước chân. Tiếng cười nói. Tiếng vỗ tay” dùng để thông báo các âm thanh trong câu chuyện đang được nhắc đến.
Xem thêm câu ghép là gì
Phân biệt câu đặc biệt và câu rút gọn
Giống nhau
- Đều là những câu có sự khác biệt về cấu trúc ngữ pháp
- Thường có cấu tạo 1 từ hoặc 1 cụm từ
- Đều có điểm chung là cực kỳ ngắn gọn
Khác nhau
Câu đặc biệt | Câu rút gọn | |
Về bản chất | Câu không có cấu tạo theo mô hình chủ ngữ – vị ngữ | Vốn có cấu tạo theo mô hình chủ ngữ – vị ngữ nhưng được rút gọn đi một số thành phần |
Về tính xác định thành phần câu | Từ hoặc cụm từ trong câu làm trung tâm ngữ pháp của câu, không thể xác định rõ ràng từ hay cụm từ đó là thành phần nào của câu | Tuỳ theo hoàn cảnh, có thể xác định được từ hoặc cụm từ bị rút gọn là thành phần nào trong câu |
Về mức độ khôi phục thành phần câu | Không thể khôi phục | Có thể khôi phục lại thành phần đã bị rút gọn để tạo thành một câu hoàn chỉnh |
Ví dụ | “Trời ơi! Mưa to như trút nước”
→ Câu “Trời ơi” là câu đặc biệt, không theo mô hình chủ vị nên không thể khôi phục |
“Ai là người đã làm đổ mực ra đây?” – Hải
→ Câu “Hải” là câu đã bị rút gọn để trả lời. Có thể khôi phục đầy đủ câu như sau: “Hải là người đã làm đổ mực ra đây.” |
Bài tập câu đặc biệt có đáp án
Đặt câu
Đây là dạng bài khá phổ biến với câu đặc biệt. Đề bài sẽ yêu cầu bạn đặt 1 hoặc nhiều câu đặc biệt theo một chủ đề xác định hoặc tự chọn. Dạng bài tập này sẽ giúp học sinh làm quen và củng cố được kiến thức về câu đặc biệt.
Ví dụ: Đặt câu đặc biệt với các từ đã cho sẵn dưới đây:
a, Ôi
b, Ơi
c, Quá
d, Ngày
Trả lời:
a, Ôi tuyệt vời! Tớ đã giải được bài toán này rồi.
b, Nga ơi! Chiều nay cậu cùng tớ đi chơi cầu lông nhé
c, Thích quá! Ngày mai tớ sẽ được đi công viên cùng với ba mẹ
d, Ngày hè. Những ánh nắng chói chang làm chúng tôi cảm thấy như ngạt thở hơn.
Xem thêm các tài liệu Văn học tại AMA
Xác định câu đặc biệt và câu rút gọn trong đoạn văn và cho biết tác dụng của chúng
Dạng bài tập này sẽ yêu cầu bạn phải nắm vững khái niệm và cách phân biệt của câu đặc biệt và câu rút gọn. Có như vậy thì bạn mới không bị nhầm lẫn khi làm bài tập dạng này. Bên cạnh đó, việc chỉ ra tác dụng của các loại câu còn giúp bạn tăng thêm khả năng cảm thụ văn học.
Ví dụ: Tìm câu đặc biệt và câu rút gọn trong các ví dụ sau, chỉ rõ tác dụng của chúng trong câu
a, Tinh thần yêu nước cũng giống như một thứ của quý. Có khi được trưng bày trong tủ kính, trong lọ pha lê dễ dàng nhìn thấy. Nhưng cũng có những khi được cất giấu kín đáo trong hòm, trong rương. Chính vì vậy, cần phải ra sức tuyên truyền, giải thích, lãnh đạo, tổ chức làm cho tinh thần yêu nước của tất cả mọi người đều có thể được đưa vào công việc kháng chiến. yêu nước.
b, Đứng trước tổ dế, ong xanh khẽ vỗ cánh, uốn mình, giương cặpi.răng rộng và nhọn như đôi gọng kìm, rồi thoắt cái lao nhanh xuống hang sâu. Ba giây. Bốn giây. Năm giây. Lâu quá!
c, Sóng vỗ ồn ào, đập ầm ầm vào những tảng đá ven bờ. Gió thổi lồng lộng từng cơn. Phía xa xa, ánh đèn sáng rọi của một con tàu đang lênh đênh trên biển. Một tiếng còi.
Trả lời:
a, Câu đặc biệt: Không có
Câu rút gọn: “Có khi được trưng bày trong tủ kính, trong lọ pha lê dễ dàng nhìn thấy. Nhưng cũng có những khi được cất giấu kín đáo trong hòm, trong rương.”
Tác dụng: Làm cho câu văn trở nên ngắn gọn, xúc tích hơn, hạn chế khả năng bị lặp từ với các câu văn trước đó.
b, Câu đặc biệt: “Ba giây. Bốn giây. Năm giây. Lâu quá!”
Câu rút gọn: Không có
Tác dụng:
– Ba giây. Bốn giây. Năm giây: xác định thời gian của câu chuyện đang kể
– Lâu quá: bày tỏ cảm xúc của người kể
c, Câu đặc biệt: Một tiếng còi
Câu rút gọn: Không có
Tác dụng: tường thuật về sự việc đang xảy ra (chiếc thuyền đang căng buồm ra khơi)
Viết đoạn văn sử dụng câu đặc biệt
Với dạng bài này, bạn cần vận dụng tối đa kiến thức của mình để làm văn và đưa các câu đặc biệt vào trong bài văn đó. Nên nhớ cần sử dụng đúng ngữ cảnh và không lạm dụng quá nhiều câu đặc biệt để tạo nên đoạn văn hoàn chỉnh.
Trên đây là những thông tin về câu đặc biệt mà AMA muốn giới thiệu tới các bạn. Hy vọng rằng qua bài viết trên bạn sẽ hiểu được Câu đặc biệt là gì và cách sử dụng chúng sao cho không bị nhầm lẫn với câu rút gọn. Chúc các bạn sớm sử dụng thành thạo loại câu này trong văn học và cuộc sống hàng ngày.